Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động. Tuy nhiên, để chấm dứt Hợp đồng lao động đúng pháp luật và đảm bảo quyền lợi của mình, Người lao động cần phải làm gì?
Thông báo trước cho Công ty đúng số ngày quy định
Theo quy định tại Điều 37 Bộ luật Lao động 2012, người lao động cần báo trước cho người sử dụng lao động về việc chấm dứt hợp đồng. Thời hạn báo trước như sau:
- Báo trước 03 ngày làm việc đối với: Người lao động nghỉ việc vì (i) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận; (ii) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn; (iii) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động hoặc (iv) đối với người lao động làm việc theo hợp đồng mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng;
- Báo trước 30 ngày đối với: người lao động làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn;
- Báo trước 45 ngày đối với: người lao động làm việc theo Hợp đồng không xác định thời hạn.
Bộ luật Lao động không có quy định về hình thức báo trước do vậy, có thể thông báo việc chấm dứt hợp đồng bằng miệng hoặc bằng văn bản. Tuy nhiên, người lao động nên thông báo nghỉ việc bằng văn bản nghi rõ ngày thông báo, ngày bắt đầu nghỉ việc.
Bàn giao công việc và hoàn trả các trang thiết bị bảo hộ lao động đã nhận từ Công ty
Trước khi nghỉ việc, người lao động cần bàn giao lại công việc cho người khác theo đúng quy định của Công ty; hoàn trả các trang thiết bị bảo hộ lao động đã nhận từ Công ty và thực hiện các nghĩa vụ tài chính còn nợ đối với Công ty (nếu có).
Yêu cầu Công ty xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và các giấy tờ khác
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 47 Bộ luật Lao động 2012, khi nghỉ việc, người lao động có quyền yêu cầu Công ty (tức người sử dụng lao động) hoàn thành các thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và các giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ của mình.
Yêu cầu Công ty thanh toán lương và các khoản nghĩa vụ khác đối với mình
Theo quy định của Bộ luật Lao động 2012, người lao động có thể được hưởng các khoản như sau:
(i) Thanh toán tiền lương các ngày đã làm việc tính đến ngày chấm dứt hợp đồng lao động;
(ii) Trợ cấp thôi việc: người lao động làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên sẽ được hưởng tiền trợ cấp thôi việc. Mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian đã tham gia Bảo hiểm thất nghiệp.
(iii) Được thanh toán tiền cho những ngày nghỉ phép chưa nghỉ hết: Theo quy định, người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một công ty trong điều kiện bình thường thì được nghỉ phép 12 ngày trong một năm và được hưởng nguyên lương. Khi chấm dứt Hợp đồng lao động, nếu người lao động chưa nghỉ hết số ngày nghỉ phép trên thì sẽ được thanh toán bằng tiền cho những ngày chưa nghỉ.
Theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động có nghĩa vụ thanh toán các khoản tiền và thực hiện các nghĩa vụ trên cho người lao động trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt Hợp đồng lao động, trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày. Người lao động cũng có nghĩa vụ hoàn trả cho Công ty các khoản tiền hoặc trang thiết bị bảo hộ lao động trong thời hạn trên.
Trong trường hợp không có sự thống nhất với Công ty khi làm việc, người lao động có thể thông qua tổ chức công đoàn để đảm bảo quyền lợi của mình. Ở chiều ngược lại, người sử dụng lao động cũng cần lưu ý các quy định trên để thực hiện đúng, tránh các tranh chấp có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến uy tín và quyền lợi của Công ty./.
Quý khách có nhu cầu tư vấn hoặc sử dụng dịch vụ xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
CÔNG TY LUẬT VLEGAL ĐỒNG KHÁNH
Điện thoại: 0987247092 hoặc 0865698331
Email: dongkhanhlegal@gmail.com
Website: www.dongkhanhlegal.com