Ngày 27/11 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về Quản lý, sử dụng pháo, có hiệu lực từ ngày 11/01/2021. Điều 17 của Nghị định này cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng “pháo hoa” trong các dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương,...Quy định này hiện đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng khi nhiều người cho rằng “từ nay người dân sẽ được quyền đốt pháo hoa thoải mái mà không bị cấm như trước đây”. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu kỹ quy định của Nghị định số 137/2020/NĐ-CP để tránh hiểu nhầm.
Điều 3 của Nghị định số 137/2020/NĐ-CP quy định: “Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ”. Trong khi đó, Nghị định cũng đưa ra định nghĩa về pháo nổ như sau: “Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian; Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.” Như vậy, pháo hoa và pháo nổ được phân biệt với nhau ở chỗ pháo nổ có “gây ra tiếng rít, tiếng nổ” còn pháo hoa thì không có đặc điểm này.
Phân biệt Pháo hoa và Pháo hoa nổ (Nguồn ảnh: Tuoitre Online)
Với quy định như trên, loại pháo mà người dân quen gọi là “pháo hoa” do một số gia đình, cá nhân tự ý đốt trong các dịp lễ, Tết bằng cách bắn lên trời, có gây ra tiếng nổ được coi là “pháo hoa nổ” và là một loại pháo nổ không được phép sử dụng.
Nghị định số 137/2020/NĐ-CP chỉ cho phép người dân sử dụng loại pháo hoa không gây ra tiếng rít, tiếng nổ mà người dân hay gọi là “pháo bông”. Ngoài ra, các loại pháo hoa được sử dụng phải được mua từ các tổ chức, doanh nghiệp được phép kinh doanh pháo hoa.
Trong trường hợp vi phạm, theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP:
+ Hành vi “sử dụng các loại pháo mà không được phép” có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng;
+ Hành vi “Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm” có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm”.
Thậm chí, Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT/BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008, người đốt pháo còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng (với mức hình phạt đến 02 năm tù) hoặc về tội danh khác khi thực hiện một số hành vi như:
+ Đốt pháo nổ ở nơi công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người;
+ Đốt pháo nổ ném ra đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện khác đang lưu thông, ném từ trên cao xuống, đốt pháo nổ mang theo xe đang chạy;
+ Đốt pháo nổ gây thiệt hại sức khỏe, tài sản của người khác;
+ Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 0,1 đến 0,5kg đối với thuốc pháo; đốt pháo nổ với số lượng dưới 1kg pháo thành phẩm hoặc dưới 0,1kg đối với thuốc pháo và đã bị xử lý hành chính về hành vi đốt pháo nổ hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.