SÚC VẬT GÂY TAI NẠN, AI CHỊU TRÁCH NHIỆM?
Ngày 28/3 vừa qua, tại địa bàn tỉnh Tây Ninh đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Chị Ngô Kim Thảo (SN 1970, trú tại phường 1, TP. Tây Ninh) bị tai nạn giao thông khi đâm phải một con chó băng ngang qua đường. Sau khi tai nạn xảy ra, chị Thảo đã ngay lập tức được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng đa chấn thương, gãy hai tay và chấn thương nặng phần đầu. Tuy nhiên, sau 02 ngày điều trị, chị Thảo đã không qua khỏi. Vậy trách nhiệm bồi thường trong những vụ việc như thế này thuộc về ai?
Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 về Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra quy định:
“Điều 603. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”
Căn cứ quy định trên, có thể thấy rằng: Về nguyên tắc, người chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị hại là chủ sở hữu súc vật. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp ngoại lệ như sau:
- Người đang chiếm hữu, sử dụng súc vật tại thời điểm súc vật gây thiệt hại có trách nhiệm bồi thường;
- Trường hợp người khác hoàn toàn có lỗi trong việc làm cho súc vật gây thiệt hại thì người có lỗi đó phải bồi thường; nếu người này và chủ sở hữu cùng có lỗi thì người có lỗi và chủ sở hữu phải cùng nhau bồi thường cho người bị hại;
- Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật và gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật đó phải bồi thường. Nếu chủ sở hữu súc vật có lỗi để dẫn đến súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái phép thì chủ sở hữu cũng phải liên đới bồi thường trách nhiệm cho người bị hại;
- Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu xúc vật phải bồi thường nhưng không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Quy định của Bộ luật Dân sự gắn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu và người trực tiếp quản lý, sử dụng súc vật tại thời điểm súc vật gây thiệt hại cho người khác.
Cần phải nói thêm, ngoài trách nhiệm bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự, chủ sở hữu hoặc người trực tiếp quản lý, sử dụng súc vật còn có thể bị phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp đủ điều kiện cấu thành tội phạm.
Vụ việc nêu trên cũng là một bài học để chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng súc vật có trách nhiệm hơn trong việc quản lý vật nuôi của mình, tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.
Công ty luật Vlegal Đồng Khánh