Câu hỏi của anh Nguyễn Ngọc Long tại An Giang như sau:“Cách đây 3 tuần, bố em đã mất đột ngột do bị tai nạn giao thông, nên không kịp để lại di chúc. Đến nay, sau khi việc hậu sự đã được giải quyết xong xuôi, gia đình em mới bàn về việc phân chia di sản do bố em để lại. Cần phải nói thêm gia đình em hiện nay gồm mẹ em, em và 03 đứa em ruột của em nữa (đều là em trai). Hiện nay bác ruột của em đang nhất quyết đòi thừa kế một phần tài sản của bố em để lại nhưng mẹ em không đồng ý, vậy luật sư cho em hỏi mẹ con em có thể giữ lại hết phần tài sản bố em để lại không ạ?”
Trả lời
Xin chào anh! Trước hết, chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới anh và gia đình. Về câu hỏi của anh, Công ty Luật TNHH Vlegal Đồng Khánh xin trả lời như sau:
Pháp luật Việt Nam quy định hai hình thức thừa kế tài sản do người chết để lại là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Trong đó, điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) quy định về Những trường hợp được thừa kế theo pháp luật như sau:
“Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Theo thông tin anh cung cấp ở trên, thì bố anh trước khi mất không để lại di chúc. Do đó, căn cứ điểm a, khoản 1 Điều 650 BLDS 2015 nêu trên, trường hợp này thuộc trường hợp thừa kế theo pháp luật.
Cũng theo quy định tại của BLDS 2015, việc thừa kế theo pháp luật thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
Nguyên tắc 1: Người được hưởng thừa kế được phân chia theo hàng thừa kế, trong đó:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác
Nguyên tắc 2: Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Nguyên tắc 3: Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Đối chiếu với quy định trên, thì mẹ anh, anh và 03 người em trai (05 người) thuộc hàng thừa kế thứ nhất, sẽ được hưởng những phần bằng nhau trong phần di sản do bố anh để lại. Người bác ruột của anh (thuộc hàng thừa kế thứ hai) chỉ được hưởng di sản thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất. Do đó, người bác ruột sẽ không có quyền được hưởng di sản thừa kế trong trường hợp này.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi liên quan đến câu hỏi của anh. Trong trường hợp anh cần tư vấn cụ thể hơn hoặc có yêu cầu nào khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
CÔNG TY LUẬT TNHH VLEGAL ĐỒNG KHÁNH
Điện thoại: 0987247092 hoặc 0865698331
Email: dongkhanhlegal@gmail.com
Website: www.dongkhanhlegal.com
Người thực hiện: Nguyễn Quang