Hộ kinh doanh là một trong những mô hình kinh doanh phổ biến ở nước ta hiện nay. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2017, cả nước ta có 5,14 triệu hộ kinh doanh và số lượng hộ kinh doanh vẫn tiếp tục tăng qua từng năm. Sau đây VLegal Đồng Khánh xin cung cấp các đặc điểm pháp lý cơ bản của hộ kinh doanh để Quý khách hàng tham khảo.
Khái niệm Hộ kinh doanh
Khoản 1 Điều 66 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/9/2015 về Đăng ký doanh nghiệp (Nghị định 78/2015/NĐ-CP) quy định: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh”.
Đặc điểm của Hộ kinh doanh
Với quy định như trên, Hộ kinh doanh có các đặc điểm pháp lý cơ bản như sau:
1. Quy mô nhỏ:
Với hạn chế là chỉ được sử dụng không quá 10 lao động và chỉ được kinh doanh tại một địa điểm kinh doanh, hộ kinh doanh có quy mô hoạt động nhỏ. Cũng vì vậy, hoạt động của Hộ kinh doanh thường bó hẹp trong phạm vi của một địa phương hoặc một khu vực.
2. Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, điều kiện đối với một pháp nhân gồm: Được thành lập hợp pháp; Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Trong khi đó, mô hình và thực tế hoạt động của hộ kinh doanh cho thấy, rất khó để tách biệt giữa hoạt động của hộ kinh doanh và chủ hộ kinh doanh. Mặt khác, việc chủ hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động của hộ kinh doanh dẫn đến sự không độc lập về tài sản giữa hộ kinh doanh và chủ hộ kinh doanh. Do vậy, hộ kinh doanh không đáp ứng điều kiện là một pháp nhân.
3. Chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm vô hạn với mọi khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của hộ kinh doanh:
Như đã nêu trên đây, chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình với hoạt động kinh doanh của hộ. Như vậy có nghĩa là khi phát sinh bất kì khoản nợ hay nghĩa vụ tài chính nào của hộ kinh doanh, tài sản của hộ kinh doanh sẽ được đem ra thanh toán cho các khoản nợ hay nghĩa vụ tài chính đó. Trường hợp còn thiếu, các cá nhân, thành viên trong gia đình phải lấy tài sản của mình để thanh toán phần còn thiếu.
Theo chủ trương của Chính phủ thể hiện tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, hộ kinh doanh được khuyến khích chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
Quý khách có nhu cầu tư vấn hoặc sử dụng dịch vụ xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin như sau:
CÔNG TY LUẬT TNHH VLEGAL ĐỒNG KHÁNH
Điện thoại: 0987247092 hoặc 0865698331
Email: dongkhanhlegal@gmail.com
Website: www.dongkhanhlegal.com
Người thực hiện: Nguyễn Quang