Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ. Để bảo vệ chế độ hôn nhân gia đình, khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình có quy định về các trường hợp bị cấm trong quan hệ hôn nhân gia đình như sau:
Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo
+ Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.
+ Ly hôn giả tạo là việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.
Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn và cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
+ Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của luật hôn nhân gia đình (nam từ đủ 20 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi).
+ Cưỡng ép kết hôn, ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn hoặc ly hôn trái với ý muốn của họ.
+ Cản trở kết hôn, ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn hoặc buộc người khác phải duy trì quan hệ hôn nhân trái với ý muốn của họ.
Tóm lại, việc cưỡng ép, lừa dối, cản trở trong quan hệ hôn nhân đều xâm phạm một nguyên tắc cơ bản của hôn nhân đó là tự nguyện.
Xâm phạm chế độ một vợ một chồng
+ Hôn nhân ở Việt Nam hiện nay, được xây dựng theo nguyên tắc một vợ, một chồng. Vì vậy, người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ được xem là vi phạm pháp luật.
+ Việc xâm phạm chế độ này không chỉ là một hành vi bị cấm trong luật Hôn nhân gia đình, mà nó còn là một loại tội phạm được quy định theo pháp luật Hình sự.
Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng
Việc kết hôn giữa những người cùng huyết thống có thể gây ra những cản trở gây hại cho thế hệ sau về mặt thể chất. Ngoài ra, việc kết hôn giữa những người cùng huyết thống, có quan hệ nuôi dưỡng và những đối tượng khác được nêu ra trong nhóm này; có ảnh hưởng về mặt đạo đức, thuần phong mỹ tục trong lối sống người Việt.
Yêu sách của cải trong kết hôn
Trên thực tế, có những trường hợp cha mẹ muốn ngăn cản việc kết hôn của con cái mình mà đưa ra những đòi hỏi về của cải một cách bất hợp lí khiến cho một bên không thể đáp ứng được. Việc thực hiện yêu sách về của cải cũng là một hành vi xâm phạm nguyên tắc tự nguyện.
Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ (vì mục đích thương mại); lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính
Pháp luật chỉ cho phép sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; cấm dùng việc này để thu lại lợi ích vật chất. Việc lựa chọn giới tính thai nhi gây hậu quả nghiêm trọng về mất cân bằng giới tính; sinh sản vô tính làm mất đi bản chất vốn có của hôn nhân là sự kết hợp giữa hai cá thể.
Bạo lực gia đình
Theo khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình. Hành vi bạo lực gia đình vi phạm nguyên tắc xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
Hành vi này vi phạm quy tắc xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau trong luật hôn nhân gia đình.
Quý khách có nhu cầu tư vấn và sử dụng dịch vụ xin vui lòng liên hệ theo thông tin như sau:
CÔNG TY LUẬT VLEGAL ĐỒNG KHÁNH
Điện thoại: 0987247092 hoặc 0865698331
Email: dongkhanhlegal@gmail.com
Website: www.dongkhanhlegal.com
Người thực hiện: Phương Hoa